phụ nữ mang thai
phụ nữ mang thai
Có một số giới hạn bạn cần tuân thủ trong chuyện ăn uống, đi lại… nhưng nhìn chung, duy trì một lối sống đơn giản, lành mạnh thực sự là việc tốt nhất các bà bầu nên làm.
Cùng tham khảo một số thói quen hàng ngày có lợi cho cả bé và bạn. Lưu ý là hãy tiếp tục thực hiện những thói quen đó ngay cả sau khi sinh để đảm bảo điều tốt lành nhất với chính bạn và thiên thần bé nhỏ của bạn.
1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Thực tế là rất nhiều người không uống đủ nước. Công việc bận rộn dễ cuốn bạn đi, khiến bạn dễ dàng bỏ qua việc uống nước cho tới khi thực sự thấy khát. Nước tác động tới mọi phần trên cơ thể con người và điều này đặc biệt đúng với phụ nữ mang thai cũng như cho con bú.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Jessica Waller cho biết: “Nghe có vẻ đơn giản nhưng bí quyết số 1 mà các bà bầu nên tuân thủ là uống đủ nước. Thông thường, người trưởng thành được khuyên nên uống lượng nước bằng 25-50% trọng lượng cơ thể (Ví dụ nếu bạn nặng 72 kg thì nên uống 40-1,2- 2,4 lít nước mỗi ngày). Khi bầu bí, chị em nên cố gắng đảm bảo 2,3 – 2,6 lít nước mỗi ngày và con số này trong giai đoạn cho con bú nên từ 3 lít nước/ngày trở lên.
Nếu cảm thấy không thích uống nước lọc bình thường, bạn có thể pha nước với trái cây, dưa chuột, nước cốt cam quýt hoặc thảo dược. Chuyên gia Waller nhấn mạnh: “Nước khoáng, trà thảo mộc và nước dừa cũng được tính trong tổng lượng nước uống hàng ngày. Nhưng tốt nhất vẫn là nước lọc”. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có lựa chọn tốt nhất vì lượng nước uống còn phụ thuộc vào cơ thể và trạng thái sức khỏe của bạn.
2. Bổ sung vitamin
Vitamin thai kỳ gồm phần lớn các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi (tất nhiên là không thể thiếu chế độ ăn lành mạnh). Bác sĩ Jennifer Wider khuyên: “Bổ sung vitamin bà bầu có thể bắt đầu từ những tuần mà bạn chuẩn bị cho việc mang thai cho tới suốt thai kỳ và kéo dài sang giai đoạn cho con bú”.
Quên bổ sung vitamin mỗi ngày khá phổ biến với các bà bầu. Vì vậy, bạn có thể sử dụng chức năng nhắc việc trên điện thoại di động để tạo thói quen này. Nhớ để sẵn một ít vitamin trong ví khi bạn đi ra ngoài.
3. Tích cực vận động
Tích cực vận động và duy trì lượng vận động điều độ mỗi ngày là cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe, sự bền bỉ cần thiết cho quá trình chuyển dạ, sinh nở. Đây sẽ là công việc khó khăn nhất, nặng nề nhất mà bạn từng làm. Do đó, tập luyện ở mức vừa phải và duy trì thường xuyên giúp cơ thể có được sự chuẩn bị tốt nhất. Đồng thời, nó cũng giúp bạn nhanh hồi phục hơn.
Nếu không thích hoặc không có điều kiện tới các phòng tập hoặc lớp thai sản chuyên biệt, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một hoạt động đơn giản là đi bộ 20 phút mỗi ngày.
4. Chú ý tập Kegel
Tất cả chúng ta đều biết rằng, bài tập Kegel giúp các cơ khung chậu khỏe hơn. Với bà bầu, bài tập Kegel càng trở nên hữu ích hơn. Sinh thường rõ ràng gây áp lực lớn lên cơ khung chậu. Dù bạn có dự định sinh mổ thì quá trình mang thai cũng tạo áp lực nặng nề lên vùng này và khiến cơ yếu đi. Hậu quả, lực đỡ lưng dưới giảm, gây đau lưng, chuyện gối chăn bị ảnh hưởng, khả năng kiểm soát bàng quang và đại tràng không còn tốt…
Joanie Johnson, chủ trung tâm thể hình dành cho phụ nữ trước và sau sinh, chia sẻ: “Học cách hít thở phù hợp và kích hoạt các đơn vị cơ bên trong (cơ hoành, cơ ngang bụng, sàn chậu, cơ nhiều nhánh) là bài tập quan trọng bậc nhất mà mọi chị em nên bắt đầu tập”. Theo đó, bạn sẽ hít vào một hơi thật sâu ở bụng, đồng thời thả lỏng tất cả các cơ thành bụng và sàn chậu. Khi thở ra, hãy tưởng tượng bạn đang cuộn các cơ của cụm cơ ngang bụng để ôm sát vào em bé và nâng lên từ phía sàn chậu (như bài tập Kegel tiêu chuẩn).
5. Duy trì mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn
Với những thay đổi của cơ thể đi kèm với việc mang thai và áp lực xã hội về chuyện giảm cân sau sinh, nhiều chị em cảm thấy lo lắng khi ăn uống. Nên ăn gì? Ăn bao nhiêu? Số cân tăng lên trong thai kỳ thế nào là hợp lý? Tất nhiên, các chuyên gia y tế sẽ cho bạn lời khuyên. Nhưng nhìn chung, ăn nhiều loại thực phẩm toàn phần, phong phú, chia thành từng bữa nhỏ trong ngày là lựa chọn an toàn.
Chuyên gia ăn kiêng Meghan Cichy tiết lộ: “Thay đổi về khẩu vị là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng tới việc tăng/giảm lượng đồ ăn hấp thụ. Các bà bầu nên tiếp cận chuyện ăn uống với sự linh hoạt và sự cảm thông dành cho cơ thể mình. Bằng cách cho phép bản thân ăn những gì bạn thích và đáp lại dấu hiệu đói, no của cơ thể, bạn sẽ đảm bảo vừa tránh áp lực ăn uống cho chính mình vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho bé”.
Chuyên gia Waller cũng khuyên chị em nên ăn nhiều rau hơn. “Rau nhiều chất xơ giúp bạn đủ chất, đủ năng lượng và no trong suốt thai kỳ. Chưa kể, chúng rất có tác dụng trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm tình trạng tiêu hóa ì ạch – 2 nỗi lo lớn trong thai kỳ”.
6. Ngủ đủ và ngủ ngon
Giấc ngủ của bạn có thể bị phá nát trong giai đoạn đầu sau sinh. Nhưng nếu muốn duy trì một lịch ngủ nghỉ tốt khi có con, bạn nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Tiến sĩ Wider nhấn mạnh: “Cơ thể người phụ nữ khi mang thai trở nên quá tải do phải nuôi dưỡng một mầm sống mới. Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày là việc rất có ích”.
Một điều quan trọng nữa mà bạn nên chú ý là những giấc ngủ ngắn. “Tranh thủ chợp mắt một lúc dù rất đơn giản nhưng lại cực kỳ có lợi trong việc duy trì nguồn năng lượng, cân bằng hormone và giúp bạn xử lý mọi chuyện tốt hơn”.
Nếu bạn có sức khỏe tốt, thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, một số thay đổi đơn giản trong lối sống có thể mang tới lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ nói chung và quá trình sinh nở nói riêng. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra bất cứ thay đổi nào. Tuyệt đối không làm quá hoặc thay đổi quá gấp. Cơ thể cần thời gian để thích nghi và “chậm mà chắc” là hướng đi an toàn, phù hợp hơn cho mọi bà bầu.
https://www.facebook.com/wondermomsvina
0 Lời bình