Home $ Mang thai sau sinh $ HỎI ĐÁP CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BÀ MẸ CHO CON BÚ

wondermoms88

Tháng Mười 2, 2020

HỎI ĐÁP CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BÀ MẸ CHO CON BÚ

Mang thai sau sinh, Nuôi con bằng sữa mẹ, Top 50 vietmoms | 0 Lời bình

[spbsm-share-buttons]

wondermoms su co thai

HỎI ĐÁP CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BÀ MẸ CHO CON BÚ

1. Tại sao bà mẹ cho con bú bị nứt núm vú?

Nguyên nhân thường gặp là do trẻ ngậm bắt vú sai. Trẻ không ngậm đủ quầng vú vào miệng mà chỉ mút ở núm vú cho nên không hút được sữa, vì vậy khi bú trẻ cố gắng đẩy núm vú ra vào nhiều lần làm tổn thương da núm vú, gây nứt ngang núm vú hoặc nứt xung quanh núm vú thường gọi là nứt cổ gà.

Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm vú hay áp xe vú. Viêm vú dễ xảy ra nếu trẻ ngừng bú hoặc sữa không được lấy ra. Vì vậy, mẹ lưu ý thay đổi cách cho con bú.

  • Sửa lại tư thế cho bú, để trẻ ngậm bắt vú đúng. Tiếp tục cho trẻ bú ở bên vú không đau.
  • Sau khi cho bú xong, để trẻ tự nhả vú ra, bối sữa mẹ lên chỗ vú nứt sẽ giúp da mau lành.
  • Nếu trẻ chưa bú tốt, cần phải vắt sữa, cho uống bằng cốc hoặc thìa. Khi mẹ đỡ đau thì cho bú trở lại.

 

2. Cho trẻ bú mẹ như thế nào khi núm vú quá ngắn?

Một số bà mẹ nghĩ rằng núm vú ngắn thì trẻ không bú được. Thực ra độ dài của núm vú không quan trọng, chỉ cần trẻ ngậm bắt vú đúng thì sẽ mút được sữa.

Nhiều đầu vú trông dẹt, ngắn nhưng kéo ra được thì không có vấn đề gì, trẻ vẫn có thể ngậm vú sâu và mút được nhiều sữa. Một số núm vú không co giãn tốt trong lúc mang thai nhưng sau khi sinh, trẻ mút sẽ kéo dài ra nên vẫn có thể cho bú mẹ được. Rất hiếm gặp loại núm vú bị tụt vào.

     Nếu núm vú quá ngắn có thể xử trí như sau:

  • Kéo giãn hai bên quầng vú thì núm vú sẽ lồi ra và trông dài hơn.
  • Nhẹ nhàng kéo đầu vú và quầng vú để tạo thành một cái núm vú.
  • Nếu núm vú co giãn dễ dàng, thì người mẹ có thể cho con bú dù núm vú ngắn một chút.
  • Nếu núm vú bị tụt thì bà mẹ có thể dùng bơm hút sữa bằng tay để kéo núm vú ra.
  • Trước khi mang thai, bà mẹ có thể tập vê đầu vú mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 phút, núm vú sẽ giãn tốt hơn.
  • Sau khi sinh, cho trẻ bú càng sớm càng tốt. Bảo đảm cho trẻ bú đúng cách, núm vú sẽ giãn tốt.
  • Nếu vú bị ứ sữa, mẹ phải vắt bớt sữa cho vú mềm để trẻ dễ ngậm bắt vú.
  • Trẻ phải tập ngậm đầu vú và một phần quầng vú trong miệng, để giúp cho trẻ bú được các loại núm vú ngắn, co giãn kém hoặc núm vú tụt.

wondermoms su co thai

3. Làm gì khi trẻ không chịu bú mẹ?

Trẻ không chịu bú mẹ do nhiều nguyên nhân

Do trẻ đau ốm:

Trẻ bị bệnh thường bú kém, thậm chí không chịu bú mẹ, trong thời gian này phải vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc, thìa và tập dần cho trẻ bú mẹ.

Một số trẻ mới sinh không chịu bú mẹ thì có thể trẻ đau ở da cơ xương do đẻ phải can thiệp bằng forcep, giác hút, bà mẹ nên thay đổi tư thế cho con bú, tìm cách bế trẻ thích hợp không chạm vào chỗ đau của trẻ.

Những trẻ khó bú vì tưa miệng cần phải đánh tưa cho trẻ bằng mật ong hoặc Nistatin. Nếu trẻ tắc ngạt mũi cần hút sạch mũi thì trẻ mới bú được.

Do cách bú:

Cho trẻ bú chai sẽ cản trở việc ngậm bắt vú dần dần trẻ bỏ bú mẹ, nếu cần phải ăn thêm sữa thì cho ăn bằng cốc thìa, xen kẽ các bữa bú mẹ.

Ngậm bắt vú sai là nguyên nhân cơ bản làm cho trẻ không chịu bú mẹ, cần giúp trẻ cách ngậm bắt vú đúng để bú có hiệu quả. Một số trường hợp mẹ tạo sữa quá nhiều, trẻ bú dễ sặc và sợ bú, vì vậy trước khi cho bú nên vắt bớt sữa, giữ vú theo tư thế gọng kìm để sữa chảy chậm.

Một số thay đổi trong sinh hoạt của trẻ:

Trẻ phải xa mẹ khi mẹ đi làm hoặc thay người chăm sóc cũng làm cho trẻ không chịu bú, cho nên cố gắng giảm sự ngăn cách giữa mẹ và trẻ. Mùi của mẹ khi dùng nước hoa, ăn tỏi cũng có thể làm cho trẻ khó chịu, vì vậy nên tránh sử dụng khi cho trẻ bú.

4. Bà mẹ nên làm gì khi vú bị căng tức sữa?

Khi cho con bú, vú mẹ có thể bị căng tức sữa do những nguyên nhân thường gặp sau đây:

     Tình trạng ứ sữa do căng tức vú:

Khi sữa bắt đầu “xuống”, hai bên vú có cảm giác căng cứng do mô vú bị ứ sữa.

Hiện tượng căng tức sữa sẽ ít xảy ra nếu con nằm cạnh mẹ suốt ngày đêm và cho bú thường xuyên, bú sớm ngay sau đẻ và trẻ ngậm bắt vú đúng.

Khi mẹ bị căng tức sữa thì cần xử trí kịp thời để mẹ không bị mất sữa.

  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ và bú đúng cách.
  • Nếu không cho trẻ bú được thì vắt sữa mẹ cho trẻ uống bằng cốc và thìa. Vắt sữa nhiều lần để tránh ứ sữa.
  • Đắp ấm lên vú, xoa nhẹ xung quanh bầu vú.
  • Mẹ có thể bị sốt nhẹ do căng tức sữa nhiều nhưng thường khỏi nhanh sau khi sữa được lưu thông nhờ đắp ấm, xoa bóp, cho bú và vắt sữa.

     Tắc ống dẫn sữa:

Khi sữa bị tắc không chảy ra được, tạo thành một khối trong vú đau nhức và đỏ lên thì có thể là do tắc ống dẫn sữa, cần điều trị để tránh bị viêm vú và áp xe vú.

—     Tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên, nếu trẻ không bú được phải vắt sữa cho uống bằng cốc và thìa.

—     Cho trẻ bú đúng tư thế, ngậm vú sâu và đầy trong miệng để lấy được sữa ra.

—     Xoa bóp nhẹ nhàng từ trong phần vú bị cứng đi xuống phía núm vú để ống dẫn sữa được lưu thông. Đắp ấm vú để làm ấm vú.

     Viêm vú và áp xe vú:

Khi ống sữa tắc dễ gây viêm vú, áp xe vú. Vú trở nên sưng đỏ, căng, đau và mẹ bị sốt. Cần điều trị theo chỉ dẫn của Y tế. Mẹ có thể tiếp tục cho con bú bên vú lành. Sau điều trị khỏi mẹ cố gắng cho bú trở lại càng sớm càng tốt.

5. Cho trẻ bú như thế nào khi mẹ đi làm?

Một trong những lý do thường gặp làm cho mẹ không thể cho con bú thường xuyên được là khi mẹ phải đi làm. Mẹ cần chủ động thu xếp thời gian của mình để có thể tranh thủ cho con bú.

  • Không nên nghĩ rằng vì đi làm thì phải cho trẻ bú bình với ý nghĩ tập định cho trẻ quen dần với thức ăn nhân tạo. Trước khi trở lại làm việc 2-4 ngày, mẹ nên dành rhời gian để hướng dẫn cho người chăm sóc trẻ về cách cho ăn.
  • Mẹ nên tranh thủ cho trẻ bú vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà để duy trì nguồn sữa mẹ. Như vậy trẻ vẫn nhận được sữa mẹ ngay cả khi bắt đầu cho ăn bổ sung.
  • Vắt sữa trước khi mẹ đi làm và để lại cho người nhà cho trẻ uống bằng cốc. Vắt sữa vào trong cốc sạch có miệng rộng càng tốt. Đậy cốc sữa bằng một miếng vải sạch hay đĩa sạch và để ở nơi mát hay trong tủ lạnh. Sữa mẹ có thể để lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn (6-8 giờ).
  • Không cần phải hâm nóng sữa trước khi cho trẻ uống. Nếu sữa quá lạnh chỉ cần ngâm cốc sữa vào nước nóng.
  • Nếu không vắt sữa thường xuyên, lượng sữa sẽ giảm. Vắt sữa sẽ giúp cho mẹ được thoải mái và bớt chảy sữa. Có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch có nắp đạy mang theo và gửi về nhà cho trẻ. Nhiều bà mẹ vần tiếp tục cho con bú sữa mẹ trong khi họ phải làm việc cả ngày và trẻ vẫn khoẻ mạnh.

6. Làm gì khi mẹ bị chảy sữa ướt áo?

Một số bà mẹ thường thấy chảy sữa trong những tuần đầu sau sinh. Ở những bà mẹ đang cho con bú, vú chảy sữa khi chưa cho con bú là chuyện bình thường vì vú có thể tự chảy sữa khi mẹ nghĩ đến con một cách âu yếm.

Việc chảy sữa nhiều và liên tục làm cho các bà mẹ khó chịu, ngượng ngập và lúng túng. Tuy nhiên điều đó cho thấy mẹ có nhiều sữa và sau vài tuần trẻ bú thường xuyên sữa sẽ tự chảy điều hoà hơn.

Khi bị chảy sữa ướt áo, người mẹ nên để vài lớp vải sạch hoặc khăn mặt nhỏ dưới áo để thấm sữa. Cần thay vải đó thường xuyên và giặt sạch sẽ.

Nếu mẹ đi làm, thì nên vắt sữa nhờ người khác mang về, hoặc để nơi mát, hợp vệ sinh và cho trẻ uống. Vú được vắt sữa sẽ tạo nhiều sữa hơn.

wondermoms su co thai

7. Làm thế nào để tăng tạo sữa và phục hồi sữa mẹ?

Tăng tạo sữa là khi sữa mẹ giảm đi và mẹ cần tăng lượng sữa cho con bú. Tiết sữa lại là khi mẹ đã ngừng cho con bú nay muốn có sữa lại để cho con bú trở lại.

Có nhiều cách để mẹ có thể tạo nhiều sữa và tiết sữa trở lại

  • Mẹ cần có niềm tin là sẽ có đủ sữa cho con bú.
  • Mẹ nên nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần trong khi cho con bú.
  • Mẹ nên ăn uống nhiều loại thức ăn cho đủ chất, ngoài 3 bữa ăn chính nên ăn thêm 2-3 bữa phụ. Không nên ăn kiêng thái quá và uống đủ nước. Cần nhớ rằng sữa mẹ sẽ được tạo ra nhiều và chất lượng sữa tốt nếu mẹ được ăn uống đủ chất.
  • Mẹ nên ở gần trẻ nhiều hơn để có thể cho trẻ bú ít nhất 10 lần trong ngày và cho bú bất cứ khi nào trẻ muốn. Yếu tố quan trọng nhất để tăng tạo sữa là phải cho trẻ bú. Bú nhiều sẽ tạo sữa nhiều.
  • Đảm bảo trẻ được bú mẹ ở tư thế đúng và bú thường xuyên kể cả ban đêm.
  • Trong khi chờ đợi tiết sữa lại hoặc tăng lượng sữa, mẹ có thể cho trẻ uống thêm sữa nhân tạo. Nhưng không nên sử dụng bình sữa và đầu vú cao su mà nên pha sữa trong cốc rồi cho uống bằng thìa. Khi mẹ đã có sữa hoặc tăng nhiều hơn trước, thì có thể giảm dần lượng sữa nhân tạo.
  • Nên kiểm tra sự tăng cân của trẻ để biết trẻ có nhận được đủ sữa hay không. Nếu trẻ vẫn chưa tăng cân tốt(cân trẻ mỗi tuần hoặc nửa tháng) tiếp tục cho trẻ ăn sữa nhân tạo trong vài ngày.
  • Mẹ cố gắng cho trẻ ngậm bú vú cả khi chưa có sữa hoặc ít sữa. Làm như vậy rất có lợi vì chỉ khi nào trẻ ngậm vú nhiều thì vú mới tiết ra nhiều sữa.

Khoảng thời gian để làm tăng lượng sữa và tiết sữa lại rất khác nhau tuỳ theo từng trường hợp. Mẹ dễ tiết sữa, nếu trẻ còn nhỏ, còn được bú mẹ 1 đến 2 lần trong ngày hoặc chỉ bú đêm… Nếu trẻ đã ngừng bú mẹ thì chỉ khoảng 1 đến 2 tuần hoặc lâu hơn trước khi sữa xuống nhiều (tuỳ theo thời gian ngừng bú). Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể tiết sữa lại nếu kiên trì cho trẻ ngậm vú thường xuyên. Việc tiết sữa lại cũng không khó đối với những trẻ đã ngừng bú từ lâu (một số trường hợp xin nuôi con cũng đã thành công trong việc tạo nguồn sữa mẹ).

wondermoms su co thai

8. Khi mẹ bị bệnh, có nên tiếp tục cho trẻ bú không?

Một trong những lý do bà mẹ thường ngừng cho con bú là khi mẹ bị bệnh, bà mẹ sợ rằng con mình có thể bị lây bệnh. Tuy nhiên rất hiếm khi bà mẹ bị mắc bệnh cần ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng thường gặp, việc nuôi con bằng sữa mẹ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ vì khi mẹ bị các bệnh nhiễm trùng thì cơ thể sẽ sản sinh các kháng thể. Các kháng thể này cũng có trong sữa mẹ chính là sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Nhưng nếu mẹ bị nhiễm HIV, lao tiến triển, suy tim nặng thì không nên cho bú vì dễ làm cho bệnh của mẹ diễn biến nặng, hơn nữa một số bệnh có thể lây truyền sang con qua nguồn sữa mẹ.

9. Bà mẹ cho con bú sử dụng thuốc như thế nào?

Bà mẹ cho con bú khi dùng thuốc thì cần xem xét đến những loại thuốc bà mẹ sử dụng có ảnh hưởng tới con hay không.

Hầu hết các loại thuốc đều qua sữa mẹ nhưng với một lượng rất nhỏ, một số thuốc có ảnh hưởng đến trẻ, một số thuốc có thể gây tác dụng phụ, rất ít khi phải ngừng cho con bú với các loại thuốc thông thường: thuốc hạ sốt, giảm đau, vitamin …

Nhưng khi bà mẹ dùng thuốc chống ung thư, hoặc đang điều trị chất phóng xạ nên ngừng cho con bú.

Một số thuốc gây tác dụng phụ mà đôi khi phải ngừng cho con bú như thuốc chữa tâm thần, co giật.

Một số thuốc kháng sinh nên tránh như chloramphenicol, tetraciclin, metronidazone, sulphonamid.

Không sử dụng những thuốc làm giảm sự tiết sữa như thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai có chứa estrogen.

Tóm lại ở những bà mẹ cho con bú khi sử dụng thuốc nên theo chỉ định của bác sĩ.

wondermoms su co thai

10. Sử dụng biện pháp tránh thai ở bà mẹ cho con bú như thế nào?

Các bà mẹ đang cho con bú cần sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình mà không ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ.

  • Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu có tác dụng ức chế sự rung trứng.
  • Sử dụng các dụng cụ tránh thai như: đặt vòng, dụng cụ tử cung, bao cao su, màng ngăn…
  • Trong trường hợp các bà mẹ sử dụng thuốc tránh thai nên chọn những loại thuốc không làm ảnh hưởng đến sự tiết sữa, đó là những loại thuốc không có oestrogen, depoprovera, norplant, exluton.

11. Có nên tiếp tục cho con bú khi bà mẹ có thai?

Mẹ có thai vẫn có thể cho con bú vì không hại gì cho trẻ và thai nhi. Một số bà mẹ mang thai vẫn cho con bú cho đến khi sinh trẻ thứ hai.

Mẹ cần được ăn uống nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng vì phải nuôi đến 3 người. Việc cai sữa quá sớm là rất nguy hiểm cho trẻ, vì vậy nếu mẹ đang mang thai vẫn nên tiếp tục cho con bú kéo dài ít nhất là đến thời kỳ trẻ ăn bổ sung tốt.

Nếu mẹ cần phải cai sữa trẻ thì nên cai sữa từ từ. Giảm số lần bú trong ngày. Cai sữa đột ngột có thể gây sang chấn tinh thần làm cho trẻ không chịu ăn và dễ mắc bệnh.

wondermoms su co thai nuoi con

https://www.facebook.com/wondermomsvina

https://vietmoms.kinsta.cloud/category/su-co-thai/page/2/

https://vietmoms.kinsta.cloud/

wondermoms su co thai

 

[spbsm-share-buttons]

Latest Categories

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *